Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân, là căn cứ để thực hiện các quyền lợi khác của công dân như: đăng ký hộ khẩu, làm thẻ bảo hiểm y tế, đi học, đi làm, giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân…

Việc đăng ký khai sinh cần thực hiện theo các thủ tục hành chính như sau:

1. Trách nhiệm đi đăng ký khai sinh:

Khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: “ Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em”.

Như vậy, trong thời hạn 60 ngày, cha mẹ, ông, bà (bao gồm cả ông, bà nội và ông, bà ngoại) hoặc người thân thích có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh cho trẻ. Người đi đăng ký khai sinh có trách nhiệm cung cấp chính xác các nội dung đăng ký khai sinh đã được trao đổi, thống nhất trước với cha, mẹ của trẻ, bảo đảm các nội dung đăng ký khai sinh do cha, mẹ thỏa thuận đã lựa chọn và chịu trách nhiệm trước cơ quan đăng ký hộ tịch.

2. Ủy quyền:

Cha, mẹ của trẻ có thể ủy quyền cho người khác (không phải là người có trách nhiệm đi khai sinh khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch) thực hiện việc đăng ký khai sinh.

Việc ủy quyền phải bằng văn bản, được công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật. Phạm vi ủy quyền phải gồm toàn bộ công việc theo trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh từ khi nộp hồ sơ cho đến khi nhận kết quả.

3. Việc đặt tên cho công dân khi đi đăng ký khai sinh:

Theo quy định của pháp luật: Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh. Trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán, phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam. Không đặt tên quá dài, khó sử dụng. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam.

4 . Thẩm quyền đăng ký khai sinh theo quy định của Luật Hộ tịch:

4.1 Xác định theo nơi cư trú:

UBND cấp huyện, cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em.

Luật Hộ tịch xác định thẩm quyền đăng ký khai sinh theo nơi cư trú được mở rộng, thuận lợi hơn cho người có nhu cầu đăng ký khai sinh, thể hiện sự cải cách mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện tối đa cho người dân trong quá trình thực hiện các thủ tục khai sinh, theo đó: UBND cấp huyện, cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ đều có thẩm quyền trong việc thực hiện đăng ký khai sinh. Theo đó, người đi đăng ký khai sinh có quyền lựa chọn đăng ký tại UBND nơi cha, mẹ của trẻ có đăng ký thường trú hay UBND nơi cha, mẹ đăng ký tạm trú.

4.2. Xác định theo đối tượng:

a) Những trường hợp đăng ký khai sinh tại UBND cấp xã:

+ Trẻ em có cha, mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước

+ Trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới Việt Nam)

b) Những trường hợp đăng ký khai sinh tại UBND cấp huyện:

- Trẻ em sinh ra tại Việt Nam:

+ Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;

+ Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

+ Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

+ Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;

- Trẻ em sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam:

+ Có cha và mẹ là công dân Việt Nam;

+ Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.

5. Chuẩn bị hồ sơ:

Hồ sơ đăng ký khai sinh tại UBND cấp xã:

* Giấy tờ phải xuất trình:

- Giấy tờ tuỳ thân của người có yêu cầu đăng ký khai sinh.

- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để chứng minh thẩm quyền đăng ký khai sinh (trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng xong và thực hiện thống nhất trên toàn quốc).

- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn trong trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn.

* Giấy tờ phải nộp:

- Tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu);

- Bản chính Giấy chứng sinh; Trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy tờ cam đoan về việc sinh;

- Trường hợp trẻ bị bỏ rơi thì phải có biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập;

- Trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản xác nhận của cơ quan y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản do người mang thai hộ;

- Văn bản ủy quyền (trường hợp có ủy quyền).

6. Cách thức nộp hồ sơ:

Công dân có thể lựa chọn nộp hồ sơ đăng ký khai sinh trong các hình thức:

+ Nộp trực tiếp;

+ Nộp qua hệ thống bưu chính;

+ Nộp trực tuyến qua hệ thống Dịch vụ công quốc gia.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về hộ tịch, người yêu cầu người đăng ký khai sinh phải trực tiếp ký vào Sổ đăng ký khai sinh nên người này phải trực tiếp đến cơ quan đăng ký hộ tịch để hoàn tất thủ tục và nhận Giấy khai sinh./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 383.390
    Online: 16