Kính thưa quý vị đại biểu, thưa toàn thể hội trường, được sự đồng ý của Đảng ủy, lãnh đạo Công an huyện Hương Sơn, cũng như sự đồng ý của UBND xã Sơn Kim 2, hôm nay tôi xin phép trình bày những nội dung cơ bản của Đề án Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06), lời đầu tiên cho phép tôi được gửi đến quý vị đại biểu cũng như toàn thể hội trường lời chúc sức khỏe, chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.
Kính thưa tất cả các đồng chí, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc, thúc đẩy phát triển ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương theo phương châm tiết kiệm, hiệu quả, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp (các dữ liệu khác liên quan tới người dân được coi như mở rộng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các bộ, cơ quan không được yêu cầu người dân khai báo lại những thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Bộ Công an đã đưa Hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư vào vận hành, hoạt động ổn định bắt đầu từ ngày 01/7/2021. Có thể nói, việc Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư được Bộ Công an chính thức đưa vào hoạt động là điểm nhấn quan trọng, là một bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị Quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực, là sự kiện quan trọng góp phần khẳng định những nỗ lực trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số Quốc gia, là tiền đề căn bản để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm Quốc gia được nêu trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Để hiểu rõ tên gọi của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử”, chúng ta hãy làm rõ hơn các khái niệm liên quan như:“dữ liệu về dân cư”, “định danh điện tử”, “xác thực điện tử”…:
- Dữ liệu dân cư (chính là Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư) là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung được chia sẻ, sử dụng cho nhiều bộ, ngành, địa phương; dữ liệu đảm bảo giá trị pháp lý tương đương các văn bản giấy chứa thông tin được cơ quan có thẩm quyền cung cấp; chứa dữ liệu chủ của Chính phủ làm cơ sở tham chiếu, đồng bộ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương.
- Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân là một cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Công an, tập hợp thông tin về căn cước công dân Việt Nam, được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin và là bộ phận của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân), mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân) hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Tài khoản này được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID), do Bộ Công an phát triển.
- Xác thực điện tử là hoạt động xác minh, xác nhận của cơ quan chức năng đối với người sử dụng danh tính điện tử đúng là chủ thể danh tính điện tử.
Việc khai thác, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài với mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022-2030.
Như vậy, hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư + hệ thống Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân + hệ thống Định danh điện tử cùng với ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) được ra đời là tiền đề để xây dựng Đề án 06. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định số 06 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án 06). Tại Hà Tĩnh, ngày 24/02/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 43 về triển khai thực hiện Đề án 06 giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Đề án 06 đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình của từng nhiệm vụ trong năm 2022 và giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Kèm theo đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và danh mục các nhiệm vụ cụ thể có sự phân công trách nhiệm và các mốc thời gian hoàn thành cụ thể để thực hiện Đề án.
Về mục tiêu, nhiệm và và giải pháp:
Mục tiêu tổng thể của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích gồm: (1) Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; (3) Phục vụ công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Đề án đưa ra danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư của Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp Bộ, cấp tỉnh phục vụ giải quyết thủ tục hành chính:
1. Xác nhận số Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân
2. Cấp lại, cấp đổi thẻ căn cước công dân
3. Đăng ký thường trú
4. Đăng ký tạm trú
5. Khai báo tạm vắng
6. Thông báo lưu trú
7. Đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy
8. Thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội)
9. Đăng ký khai sinh
10. Đăng ký khai tử
11. Đăng ký kết hôn
12. Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông
13. Thủ tục làm con dấu mới và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu
14. Thủ tục làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu
15. Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí
16. Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí
17. Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình
18. Đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân
19. Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ).
20. Cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe
21. Đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng
22. Cấp phiếu lý lịch tư pháp
23. Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp
24. Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (220/380V)
25. Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện
Riêng đối với ngành Công an thì có 11 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư đó là
1. Xác nhận số Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân
2. Cấp lại, cấp đổi thẻ căn cước công dân
3. Đăng ký thường trú
4. Đăng ký tạm trú
5. Khai báo tạm vắng
6. Thông báo lưu trú
7. Đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy
8. Thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội)
9. Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông
10. Thủ tục làm con dấu mới và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu
11. Thủ tục làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu
Tiện ích tài khoản định danh điện tử
(1). Tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều khâu thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công.
(2). Công dân có thể thay thế CCCD và các loại giấy tờ mà họ đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế... Như vậy, khi người dân giao dịch hành chính sẽ giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo. Công dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chuyển tiền.
(3). Thông tin của công dân được xác thực từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc được Chính phủ giao cho Bộ Công an quản lý nên đảm bảo tính bảo mật, chính xác và duy nhất, vì vậy khi công dân thực hiện các giao dịch điện tử sẽ thuận tiện và an toàn.
(4). Công dân có thể cung cấp, chia sẻ, đảm bảo tính chính xác thông tin của mình với bên thứ 3 thông qua mã Qrcode.
(5). Việc cấp định danh điện tử cho công dân trong thời gian tới để tạo tiện ích lớn nhất cho công dân trong quá trình triển khai, thực hiện 25 thủ tục thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Như vậy việc triển khai Đề án 06 mang lại rất nhiều lợi ích, Công dân khi thực hiện tích hợp tài khoản định danh điện tử sẽ được hưởng nhiều tiện ích, đặc biệt đó là sẽ sử dụng CCCD thay thế cho các loại giấy tờ đã được tích hợp, không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ, Không cần phải kê khai lại các trường thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí cho người dân. Công dân có thể thanh toán các hóa đơn tại nhà mà không cần phải sử dụng tiền mặt hay đến trực tiếp địa điểm thu lệ phí. Trong thời gian tới Bộ Công an sẽ phối hợp với nhiều Bộ, ban nghành để có thể liên kết, chia sẽ dữ liệu và tích hợp nhiều loại giấy tờ khác vào CCCD nhằm tạo thuận lợi nhất cho công dân.
3. Về diện, đối tượng được cấp và thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử
- Về diện cấp:
Việc cấp tài khoản định danh điện tử trước mắt được áp dụng đối với công dân thuộc diện cấp mới, cấp đổi, cấp lại căn cước công dân. Theo đó cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng định danh điện tử. Đối với cá nhân chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Đối với người giám hộ khác thì đăng ký theo tài khoản định danh của người giám hộ.
- Thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử: Người dân cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
(1)Thẻ Căn cước công dân còn thời gian hiệu lực.
Trường hợp mất thẻ CCCD hoặc quá hạn thẻ có thể thực hiện thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử kèm cấp CCCD.
(2)Số điện thoại di động của bản thân công dân tích hợp định danh (bắt buộc), địa chỉ Gmail (nếu có).
(3)Các loại giấy tờ cần tích hợp vào tài khoản định danh điện tử như: Giấy phép lái xe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm.
- Địa điểm cấp: Công an huyện, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.
Hiện nay Công an huyện Hương Sơn đã tiến hành tích hợp tài khoản định danh điện tử cho 4.040 công dân, trong thời gian qua Đội Cảnh sát QLHC về TTXH đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tiếp nhận hồ sơ vào cả ngày thứ 7 hàng tuần. Đội đã chủ động rà soát các đối tượng thuộc diện ưu tiên để tiến hành tích hợp trước, trước hết là các công dân sinh năm 2004,2007 để nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để tham gia các cuộc thi cuối cấp, hiện nay đang tiến hành tiếp nhận hồ sơ tích hợp định danh điện tử cho cán bộ, công nhân viên chức, và sau đó sẽ tiến đến tích hợp định danh điện tử cho toàn bộ công dân trên địa bàn huyện trong diện cấp.
Kính thưa quý vị đại biểu cùng tất cả hội trường, ngày 30/01/2022 Công an tỉnh Hà Tĩnh ban hành Kế hoạch số 23/KH-CAT-PC06; Ngày 02/02/2022 Công an huyện Hương Sơn ban hành Kế hoạch số 08/KH-CAH-QLHC về triển khai dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đăng ký cư trú, cấp Căn cước công dân, Công an huyện Hương Sơn đã tiến hành tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú, cấp CCCD qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Đối với đăng ký cư trú tiến hành tiếp nhận hồ sơ qua Cổng dịch vụ công quốc gia các lĩnh vực:
Đăng ký thường trú
Đăng ký tạm trú
Đăng ký tạm vắng
Khai báo lưu trú
Như vậy công dân có thể sử dụng dịch vụ công quốc gia để tiến hành đăng ký cư trú mà không cần phải đến trụ sơ Công an các xã, thị trấn để thực hiện các thủ tục liên quan, tiếc kiệm được thời gian, chi phí cho công dân.
Hương Sơn là địa bàn miền núi, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận với hệ thống Smartphone, internet, dịch vụ công còn nhiều khó khăn, chủ yếu người dân còn mang tư tưởng giải quyết các thủ tục hành chính theo hướng truyền thống, đến trực tiếp để giải quyết. Tuy nhiên hiện nay với sự phát triển của khoa học, công nghệ, Chính phủ đang ngày càng phát triển các ứng dụng khoa học công nghệ vào mọi mặt xã hội, nhằm tạo tiền đề để phát triển Chính phủ số, công dân số, đưa đất nước ta ngày càng phát triển thì mỗi công dân cần phải có những thay đổi trong tư duy, suy nghĩ, bắt kịp những tiến bộ của xã hội để đưa đất nước ta ngày càng phát triển
VD: 01 Công dân có việc không có mặt tại địa phương muốn đăng ký tạm vắng, người thân ở nhà là ông bà nhiều tuổi, địa chỉ nhà ở xa trụ sở UBND xã, đường xá đi lại khó khăn, nếu như bình thường thì phải nhờ người đưa đến trụ sở UBND xã để thực hiện đăng ký tạm vắng theo quy định của pháp luật, nhưng hiện nay thì công dân không có mặt tại địa phương có thể sử dụng tài khoản dịch vụ công quốc gia để đăng ký tạm vắng, không cần phải nhờ người đến trực tiếp để làm các thủ tục cần thiết nữa. Đối với các lĩnh vực khác như đăng ký thường trú, tạm trú hay thông báo lưu trú cũng như vậy, có thể giảm tối đa chi phí đi lại, thời gian, tạo thuận lợi cho công dân
Kính thưa toàn thể hội trường, trong thời gian hội nghị cho phép, tôi đã trình bày các nội dung cơ bản của Đề án 06, lợi ích, đối tượng và thủ tục tích hợp tài khoản định danh điện tử. Vì thời gian không có nhiều nên tôi chỉ trình bày các nội dung cơ bản, nếu các đồng chí có các ý kiến thắc mắc xin tập hợp gửi về ban tổ chức Hội nghị, chúng tôi sẽ có văn bản trả lời cụ thể.
Để Đề án 06 được triển khai có hiệu quả cần sự vào cuộc nghiêm túc của các Sở, ban nghành, cơ quan, đoàn thể cũng như sự vào cuộc của tất cả mọi công dân để Đề án được thực hiện thắng lợi, từng bước đưa đất nước ta phát triển theo hướng Chính phủ số, quốc gia số, bắt kịp sự phát triển của các quốc gia trên thế giới. Một lần nữa xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe, xin chân thành cảm ơn!